Hồi quang phản chiếu là hiện tượng bí ẩn, được giới khoa học nói chung và y học nói riêng dành nhiều thời gian nghiên cứu. Thực chất hiện tượng này là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn nhé!
Contents
Hiện tượng hồi quang phản chiếu là gì?
Hồi quang phản chiếu là một từ Hán Việt có nguồn gốc từ kinh Phật, trong đó “hồi” nghĩa là quay lại, “quang” là ánh sáng, “phản” chỉ sự trở lại, “chiếu” là soi sáng. Như vậy, hiện tượng hồi quang phản chiếu được hiểu nôm na là sự trở lại mạnh mẽ, soi rọi lại chính mình, còn được gọi là lời tạm biệt cuối (one last goodbye) hay sự minh mẫn cuối (terminal lucidity).
Để hiểu hơn về hiện tượng này, chúng ta hãy nhìn vào ngọn nến trước khi tắt lịm. Nến bỗng dưng bốc cháy một cách mãnh liệt, sáng rực, cao và rất nóng, phản ánh rõ rất hiện tượng hồi quang phản chiếu.
Ở con người, hiện tượng này xuất hiện ở những người bệnh nặng, khó lòng qua khỏi. Cơ thể yếu ớt, suy nhược, thậm chí mất đi nhận thức bỗng đột ngột trở nên minh mẫn, sáng suốt, hoạt bát, ăn uống khỏe, nhắc lại chuyện xưa. Những người gặp phải tình trạng này một thời gian ngắn sau sẽ qua đời. Trong y khoa, hiện tượng này từng xuất hiện ở những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, đột quỵ, viêm màng não, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và những người bị khuyết tật tâm thần.
Các giả thiết về hồi quang phản chiếu trong tâm linh và khoa học
Để giải thích cho hiện tượng kỳ lạ trên, có giả thiết cho rằng người chuẩn bị qua đời chính là chuẩn bị bước sang một thế giới khác. Linh hồn của họ sẽ rút dần khỏi thể xác, bắt đầu từ chân, tay, bụng và cuối cùng là trái tim và trí não. Khi não người nhẹ nhàng, an yên, không bị tác động bởi vật chất, họ có thể trở nên mạnh mẽ và tỉnh táo một cách đặc biệt.
Có giả thiết lại lý giải rằng, thời điểm cận kề cái chết, con người ta khát khao sự sống một cách mãnh liệt, và muốn tạo nên những kỷ niệm vui vẻ cuối cùng với những người thân yêu. Vì vậy mới xảy ra hiện tượng hồi quang phản chiếu.
Xét trên khía cạnh khoa học cũng đã ghi nhận rất nhiều người gặp phải hiện tượng hồi quang phản chiếu, mặc dù hiện vẫn còn rất mơ hồ về cả cơ sở lẫn chứng minh. Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học, trong số 227 bệnh nhân sa sút trí tuệ được theo dõi, có tới 10% người bệnh cho thấy sự sáng suốt hơn hẳn trong giai đoạn cuối đời.
Thông qua việc đánh giá tài liệu, các nhà nghiên cứu đã kết luận 84% những người trải nghiệm giai đoạn one last goodbye sẽ đi đến cái chết nhanh hơn trong vòng 1 tuần, 42% số người còn lại qua đời vào chính ngày xảy ra hiện tượng này.
Theo tài liệu nghiên cứu về một phụ nữ 91 tuổi bệnh Alzheimer, trong suốt 15 năm bà đã rơi vào tình trạng vô thức và không nhận ra bất kỳ ai. Tuy nhiên đến một tối nọ, bà nói chuyện rất thân tình với con gái về nỗi sợ chết, về những khó khăn mà bà đã trải qua. Sau đó, bà đã qua đời.
Đã có nhà khoa học nghiên cứu và nhận định, hiện tượng này không xảy ra với tất cả mọi người. Não người được cấu trúc bởi 3 layer từ trên xuống, bao gồm vỏ não (cortex), hệ viền – hệ thống cấu trúc liên kết kiểm soát cảm xúc (limbic system) và sinh tồn. Những suy nghĩ sáng suốt được hình thành từ cortex. Khi người già bị đau bệnh, vỏ não bị chi phối bởi cảm giác đau từ các cơ quan gửi về, khiến nó bị ức chế. Nhưng khi các cơ quan không còn hoạt động, tín hiệu không còn được gửi lên, đây là lúc vỏ não được giải phóng, khiến cho con người đột nhiên trở nên minh mẫn. Đương nhiên tình trạng này không kéo dài lâu, cuối cùng cả não bộ và cơ thể cũng sẽ kiệt sức. Đây được xem là lời lý giải hợp lý nhất.
Một số triết gia và nhà thần học đưa ra giả thuyết rằng ý thức con người nằm ngoài phạm vi hoạt động của não bộ.
Nhìn chung đến nay, câu trả lời chính thức cho hiện tượng hồi quang phản chiếu vẫn còn đang được bỏ ngỏ. Tuy nhiên đây vẫn được xem là hiện tượng mang lại niềm an ủi lớn cuối đời cho cả bệnh nhân và người thân của họ.