Theo quan niệm dân gian, ở mỗi độ tuổi của mọi người đều có các sao hạn. Bên cạnh việc đi chúc Tết, lễ chùa đầu năm thì dâng sao giải hạn cũng là một hoạt động quan trọng, được nhiều người quan tâm. Vậy lễ cúng sao giải hạn là gì, mục đích của hoạt động này như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết dưới đây:
Contents
Dâng sao giải hạn là gì?
Sở dĩ, phong tục cúng sao giải hạn (hay lễ cắt sao giải hạn, dâng sao giải hạn) xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc là do ảnh hưởng của Phật giáo Bắc tông Trung Quốc. Trong quá trình du nhập vào văn hoá Trung Quốc, Phật giáo đã tiếp biên với Đạo giáo mà sinh ra các nghi lễ như trống kèn, tang nhịp, múa, bắt ấn quyết, đội mũ mang hia và cả cúng sao giải hạn.
Theo đó, mỗi người sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mệnh riêng của mình. Có tất cả 9 chòm sao là: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức ứng với mỗi mệnh.
Trong số các chòm sao sẽ có sao tốt và sao xấu. Nếu các bạn sinh vào chòm sao tốt sẽ đem lại tài lộc, may mắn, ngược lại đem lại những điều không may, ốm đau, bệnh tật,… Nhiều người tin rằng việc thực hiện các nghi lễ thờ cúng, cầu xin sự giúp đỡ, che chở của thế lực tâm linh sẽ phần nào giúp người không may gặp sao xấu trong năm đó được tai qua nạn khỏi. Vì vậy nên lễ cúng sao giải hạn hàng năm ra đời.
Mục đích của việc dâng sao giải hạn đầu năm
Nhìn chung, mục đích chính của việc dâng sao giải hạn là để giảm nhẹ vận hạn, cầu may mắn cho bản thân. Lễ cúng sẽ được thực hiện vào đầu năm hoặc hàng tháng tại chùa, với mục đích cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình.
Tuy nhiên, cũng có không ít những ý kiến trái chiều về hoạt động tâm linh này. Nhiều Thượng tọa, Hòa thượng cũng đã lên tiếng rằng sao tốt, sao xấu là xuất phát từ tâm con người. Vấn đề cốt lõi trong cuộc sống vẫn là người dân phải biết tu tâm. Vì vậy, các nhà quản lý, nhà khoa học và giới nghiên cứu cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, để người dân tự thấy rằng không thể chỉ mê muội tin theo dâng cúng là có thể hóa giải mọi điều xui xẻo, quên đi sự cần thiết là phải tu tâm dưỡng tính.
GS.TS, Trần Lâm Biền cũng đã phát biểu rằng: “Có dâng đến ngàn vạn lần thì các ngôi sao vẫn luôn vận động như thế, không có gì thay đổi. Vì thế, chúng không thể ảnh hưởng đến số phận của con người. Thay vì dâng sao giải hạn, không gì tốt hơn bằng việc chúng ta hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, có thiện tâm, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng, từ đó truyền thống thì tinh thần sẽ thanh thản”.
Tuy nhiên, con người ai cũng có những mong cầu hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, bình an, làm ăn may mắn đủ đầy…, đó đều là những nhu cầu và mong ước chính đáng của tất cả mọi người. Đó cũng là một phần lý do mà nhiều người dân hiện nay vẫn luôn tìm đến các lễ hội, các di tích đình, đền, chùa dịp đầu năm để cầu phúc.
Nhìn chung, lễ cúng sao giải hạn không phải hoạt động tâm linh tiêu cực mang mục đích xấu. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, cuộc sống nhiều khó khăn cũng như áp lực, con người lại càng quan tâm hơn đến vấn đề tâm linh, đặc biệt là những rủi ro trong công việc, cuộc sống hơn.
Lễ vật cúng sao giải hạn và cách bố trí cúng giải hạn như thế nào?
Cúng sao giải hạn sẽ không đặt nặng lễ vật, nhưng một số thứ cơ bản nhất bạn vẫn phải đảm bảo được, đó là:
- Đèn hoặc nến (số lượng tùy theo yêu cầu từng sao).
- Bài vị (màu của bài vị sẽ được chuẩn bị khác nhau tùy theo từng sao), trên bài vị viết chính xác tên sao (cúng sao nào sẽ viết tên sao đó).
- Mũ vàng.
- Đinh tiền vàng (số lượng tùy ý, không cần quá nhiều).
- Gạo, muối.
- Trầu, cau.
- Hương hoa, trái cây, phẩm oản.
- Nước (1 chai).
Mỗi độ tuổi, giới tính vào mỗi năm sẽ có ngôi sao chiếu mệnh khác nhau. Tùy theo năm đó bạn được sao gì chiếu mà sắp xếp thời gian cúng, bàn lễ vật, hướng lạy, màu sắc bài vị, nội dung chữ ghi trên bài vị, số nến, sơ đồ cắm nến và nội dung khấn khác nhau. Cách bố trí nến (đèn cầy) và màu sắc bài vị trên bàn cúng theo sơ đồ từng sao sẽ được hướng dẫn cụ thể trong phần dưới.
Phương pháp cúng sao
Trong Thông thư và Ngọc hạp ký (bản in khắc ván của thời Nguyễn) có bổ sung hướng dẫn về cách dâng sao giải hạn. Theo đó, các sao xấu cần hóa giải bao gồm Thái bạch, La hầu, Kế đô, Thổ tú, Hỏa tinh (Vân hán).
- Thái bạch: Ngũ hành thuộc kim, chủ về tai ách, bệnh tật. Nam nữ vướng phải sao này đều xấu, nhất là đối với nữ giới. Nhưng riêng quý nhân (người có danh vọng, chức vụ cao) gặp năm hạn Thái bạch lại là điềm tốt, gia đình có thể tăng thêm nhân khẩu hay gặp được cơ hội thăng tiến. Người vào những năm sao Thái bạch chiếu mệnh đại kỵ việc hôn nhân.
- Thổ tú: Ngũ hành thuộc thổ, là sao xấu về mọi phương diện. Thổ tú chiếu mệnh thường gây nên ưu phiền, tinh thần hoảng hốt, mất ngủ, hay gặp ác mộng; việc chăn nuôi, kinh doanh đều không hưng vượng, thuận lợi; hay bị tiểu nhân ám hại, dèm pha, quấy phá.
- Hỏa tinh: Ngũ hành thuộc hỏa, chủ về tật bệnh, nạn đổ máu, phụ nữ thai sản bất lợi, làm ăn khó khăn. Người có hỏa tinh chiếu mệnh không nên lập doanh nghiệp, đầu tư hay mở rộng quy mô sản xuất… mà nên “thủ cựu bình an”.
- La hầu: Chủ về việc khẩu thiệt, kiện tụng. Nam giới gặp sao này thường sẽ khó khăn về đường công danh, chức vụ, học tập; nữ giới nên đề phòng chuyện tình cảm, nạn thai sản, cẩn thận nạn đổ máu,…
- Kế đô: Chủ về các tai nạn bất ngờ, người âm ám thị. Sao thuộc loại hung tinh, nam nữ đều kỵ.
Muốn biết trong năm bạn có sao nào chiếu mệnh, trước hết cần tính tuổi theo âm lịch (tuổi ta). Nếu số tuổi lớn hơn số chín, đem cộng các chữ số tuổi cho đến khi được số có một chữ số, sau đó tra ra số sao tương ứng.
Ví dụ: Người sinh năm 1971, năm 2022 là 52 tuổi, lấy 5 + 2 = 7, tra số 7 để biết sao chiếu mệnh tương ứng. Dâng sao giải hạn 2022 cho nam là sao Kế Đô, nữ là sao Thái Dương (xem bảng chi tiết dưới đây).
Nam | La hầu | Thổ tú | Thủy diệu | Thái bạch | Thái dương | Hỏa tinh | Kế đô | Thái âm | Mộc đức |
Số sao | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
Nữ | Kế đô | Hỏa tinh | Mộc đức | Thái âm | Thổ tú | La hầu | Thái dương | Thái bạch | Thủy diệu |
Việc dâng sao giải hạn nên là tự làm, vào các ngày sao giáng trần (giáng hạ) hàng tháng. Người làm lễ cần phải tắm gội sạch sẽ, trang phục ngay ngắn, thành tâm thủ tín, chuẩn bị hương án (hoặc mâm), mua sắm đầy đủ lễ vật để tiến hành nghi lễ theo hướng dẫn, cụ thể như sau:
Sử dụng giấy màu cắt thành bài vị (hình chữ nhật, theo chiều dọc), trên bài vị sẽ ghi rõ tên sao hạn. Thắp nến và bày lễ vật như trầu, nước, rượu, tiền vàng, phẩm quả. Bày hương án, bài vị tại hướng sao giáng trần, đốt hương, sau đó quay về hướng sao giáng trần khấn Nôm (bài khấn nêu rõ họ tên, tuổi, địa chỉ, ngày giờ, lễ vật; thành tâm kiểm điểm những điều sai trái của bản thân trong quá khứ, hứa sẽ khắc phục; cầu mong được bình an, thuận lợi trong thời gian tới).
Chúng ta có thể tham khảo ngày sao giáng trần hàng tháng (ngày âm lịch), cách cắm nến, viết tên sao (tiếng Việt) cũng như hướng bày hương án cúng sao giải hạn như sau:
- Thái bạch: Giáng trần vào ngày 15. Sử dụng giấy màu trắng làm bài vị, trên bài vị sẽ ghi: Tây phương canh tân kim đức tinh quân. Thắp 8 ngọn nến, bày hương án quay về hướng tây và làm lễ tế.
- Thổ tú: Giáng trần vào ngày 19. Dùng giấy màu vàng làm bài vị, trên bài vị sẽ ghi: Trung ương mậu kỷ thổ tú tinh quân. Thắp 5 ngọn nến, hương án bày quay về hướng tây.
- Hỏa tinh: Giáng trần ngày 29. Dùng giấy màu đỏ làm bài vị, trên bài vị ghi: Nam phương bính đinh hỏa đức tinh quân. Thắp 15 ngọn nến, hương án bày quay về hướng nam.
- La hầu: Giáng trần ngày 8. Sử dụng giấy màu vàng làm bài vị, trên bài vị ghi: Thiên cung thần thủ La hầu tinh quân. Thắp 9 ngọn nến, hương án bày quay về hướng bắc.
- Kế đô: Giáng trần ngày 18. Sử dụng giấy màu vàng làm bài vị, trên bài vị ghi: Thiên phú phân tư Kế đô tinh quân. Thắp 21 ngọn nến, hương án bày quay về hướng tây.
Trên đây là hướng dẫn nghi thức dâng sao giải hạn năm 2022 hàng năm của người Việt. Tuy nhiên, là một người sống trong thời kỳ hiện đại hóa, nhìn chung chúng ta không nên quá cuồng tín, thay vào đó năng làm việc thiện, cẩn trọng trong đi lại, lời ăn tiếng nói để gặp được điều lành.