Lá ngón là loài thực vật nổi tiếng ở rừng núi phía Bắc, được mệnh danh là tên gọi của “tử thần” khi sở hữu lượng độc tính cao. Vậy lá ngón độc cỡ nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ trong bài viết dưới đây nhé!
Contents
Lá ngón là gì?
Lá ngón còn được biết đến với tên gọi trường thảo (đoạn là đứt, trường là ruột), bởi người ta cho rằng uống loại lá này sẽ bị đứt ruột mà chết. Tên khoa học là Gelsemium elegans, còn gọi là cây rút ruột, co ngón, hoàng đằng, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, câu vẫn,… Trước đây, loài này được phân loại trong họ Mã tiền (Loganiaceae), nhưng từ năm 1994 được xếp vào họ mới là Hoàng đằng (Gelsemiaceae). Tuy nhiên, cần phân biệt với loài cây cũng được gọi là “lá ngón” nhưng ăn được của một số dân tộc thiểu số như Mường So,….
Đây là loài cây khá phổ biến ở Trung Quốc (Phúc Kiến, Tứ Xuyên) và các tỉnh miền núi phía bắc của Việt Nam như Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La… Ngoài ra, cây này còn được tìm thấy ở Lào, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, miền bắc Myanma, bắc Thái Lan….
Cây lá ngón là loài cây mọc leo, thân và cành không có lông, lá hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu lá nhọn, bóng và nhẵn. Thông thường, lá ngón sẽ dài khoảng 7 – 12 cm, rộng 2,5 – 5,5 cm, mọc thành chùm ở đầu cành. Ở các cành non, lá sẽ có màu xanh lục nhưng khá nhạt. Đến giai đoạn già, lá sẽ chuyển dần thành màu xám, nâu nhạt.
Hoa lá ngón màu vàng 5 cánh, thường nở vào tháng 6, 8, 10. Quả lá ngón màu nâu, thon dài, rộng 0,5 cm và không có lông bao quanh. Quả có hạt khá nhỏ, màu nâu nhạt.
Lá ngón độc cỡ nào?
Độc tính của lá ngón do các ancaloit có chứa trong toàn bộ cây. Độc tính sẽ giảm dần từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazo, xuất hiện ở nhiều loài thực vật và đôi khi còn tìm thấy ở một số loài động vật. Đặc biệt, ancaloit có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ ancaloit cũng có thể gây phản ứng mạnh, thậm chí là chết người.
Theo nghiên cứu, có tới 17 đơn phân ancaloit đã được chiết ra từ loài lá này như gelsamydin, gelsemoxonin, koumin, gelsenicin, 19α-hydroxygelsamydin, trong đó hàm lượng koumin đo được là cao nhất. Tại Việt Nam và Trung Quốc, đây được coi là 1 trong 4 loài cây có độc tính hàng đầu (thuộc bảng A). Một số người cho rằng, chỉ cần ăn 3 lá ngón là đủ chết một người trưởng thành.
Alkaloid trong lá ngón được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa, chỉ mất khoảng 5-30 phút. Thời gian tử vong trung bình rơi vào từ 1-7,5h.
Chất koumin và kuminin ít độc hơn, gần giống tác dụng của gelsemin, trong khi đó chất kuminixin rất độc, và gelsemixin độc hơn rất nhiều… Nhỏ dung dịch gelsemin và gelsemixin lên mắt, ta có thể thấy phản ứng ngay lập tức là hiện tượng giãn đồng tử còn, kumin và kuminin không làm giãn đồng tử.
Trong một nghiên cứu khác được tiến hành tại Khoa Sinh, Đại học Đà Lạt cho thấy, giã lá ngón chắt lấy nước (10g lá, 10ml nước), cho chuột uống 3 giọt, sau 9 phút con chuột đó chết vì bị co giật. Các triệu chứng diễn ra và chuyển biến rất nhanh. Người bị ngộ độc lá ngón sẽ nhanh chóng có các triệu chứng như khát nước, đau họng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, răng cắn chặt, sùi bọt mép, tim đập yếu, khó thở, cảm giác đau dữ dội, đồng tử giãn và chết rất nhanh so ngừng hô hấp.
Nghiên cứu về mặt chống độc cho phép kết luận rằng, cơ chế tác dụng của các hoạt chất có trong cây lá ngón chủ yếu đánh vào các men hô hấp, gây nên sự rối loạn trong hoạt động các tế bào, dẫn tới sự thiếu oxy nghiêm trọng, từ đó gây ra các hiện tượng co giật và liệt.
Nếu bạn thắc mắc lá ngón có ăn được không, thì những thông tin trên đây là câu trả lời nhé!
Tuy nhiên, lá ngón vẫn có một vài tác dụng, được ứng dụng trong một số ngành như:
- Trong y học: được sử dụng để điều trị eczema, nhiễm trùng răng, phong, bệnh trĩ, nhọt ngoài da, chống tổn thương và co thắt. Tuy nhiên với độ tính cao nên chúng sẽ được sử dụng hạn chế, đa số là các ứng dụng ngoài da. Người ta trị mụn nhọt bằng cách giã lá ngón, sau đó đắp lên vùng da bị nhọt, sau vài ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
- Trong ngành thẩm mỹ làm đẹp: lá ngón được sử dụng làm thuốc nhuộm, tuy nhiên người ta cũng sử dụng với liều lượng rất ít.
- Người dân thường dùng lá giã nát lấy nước để làm duốc cá, có khi dùng lá nấu nước để nhuộm màu nâu kali. Tuy nhiên chưa thấy có tài liệu nghiên cứu chính thức nào về ứng dụng trên.
Sơ cứu khi ngộ độc lá ngón
Khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, phương pháp sơ cứu ban đầu cực kỳ quan trọng. Theo đó, cần nhanh chóng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như uống thật nhiều nước, móc họng, gây nôn. Sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc đưa đến bệnh viện chuyên khoa với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, điều trị giải độc nhằm tránh những biến chứng nặng nề hoặc nguy cơ tử vong.
Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm, trong khoảng chưa tới 1h từ khi ngộ độc. Tuy nhiên do hiện nay, do thiếu hiểu biết nên các vụ tử tử bằng lá ngón xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại các tỉnh miền núi. Khi đó, khả năng cứu sống nạn nhân khó đạt 100% do không thể sơ cứu kịp thời, đúng lúc.
Phương hướng chữa trị là dùng các thuốc ngăn cản sự ức chế men và bảo trợ men, giúp các nhà khoa học tìm ra được tính chống độc của ATP. Khi dùng ATP ngăn ngừa và điều trị ngộ độc bằng lá ngón đã giúp giảm tỷ lệ chết của chuột nhắt xuống từ 58% còn 25%, cứu được tất cả thỏ làm thí nghiệm khi bị ngộ độc bằng liều chết của lá ngón.
Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hiệu quả nhất chính là chặt bỏ tất cả các cây lá ngón được tìm thấy.
Món ăn “đáng sợ” với lá ngón
Như trên đã chia sẻ, dân tộc vùng Mường So, Lai Châu có một loại lá cũng có tên “lá ngón” nhưng không hề có độc, được chế biến thành thức ăn hàng ngày như lá ngón xào tỏi, lá ngón xào trứng, luộc hay nấu canh… Thế nên nghe qua có vẻ đáng sợ, nhưng các món ăn này hoàn toàn ngon, bổ dưỡng, là đặc sản của người vùng này.
Để phân biệt 2 loại lá này, cần quan sát thật kỹ vì chúng có thân leo giống nhau. Tuy nhiên lá ngón không độc có hình tròn ngắn, to như lá trầu không. Chúng ta có thể chế biến lá ngón theo nhiều cách, nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là lá ngón xào tỏi.
Lá ngón không độc sau khi được rửa sạch sẽ sẽ đem xé nhỏ và vò sơ. Trên chiếc chảo dầu nóng, bỏ lá vào xào cùng tỏi, nêm nếm gia vị vừa ăn. Đĩa lá ngón xào dậy lên mùi thơm hấp dẫn, từng phiến lá bóng mỡ đầy kích thích. Trông ngon lành là thế nhưng nhiều thực khách vẫn chần chừ vì lo lắng về độ nguy hiểm của món ăn này. Tuy nhiên khi đã nếm thử thì ít ai có thể quên được hương vị độc đáo, khác lạ mà nó mang lại.
Trên đây là thông tin và cách phân biệt 2 loại lá ngón ăn được và không ăn được, cũng như những lưu ý khi không may ngộ độc lá ngón. Mong rằng bài viết mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.